Bộ tài chính tiếng Anh là gì? Định nghĩa, chức năng và nhiệm vụ

Bộ tài chính là một cơ quan của Chính phủ nắm giữ chức vụ và nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý nhà nước. Nếu bạn cũng đang thắc mắc Bộ tài chính là gì và có những nhiệm vụ nào thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Bộ tài chính là gì? Bộ tài chính tiếng Anh là gì?

Bộ tài chính tiếng Anh là Ministry of Finance.

Bộ tài chính là cơ quan của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý về Tài chính – ngân sách  nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể, tài sản công theo quy định của pháp luật, hải quan, kế toán, kiểm toán độc lập, giá cả, chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức thành lập vào ngày 28 tháng 8 năm 1945. Bộ trưởng Phạm Văn Đồng là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bộ Tài chính. Vào ngày 9 tháng 4 năm 2021, Ông Hồ Đức Phớc được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chức năng và nhiệm vụ của Bộ tài chính

Với tư cách là công cụ quản lý vĩ mô, là “”nguồn máu của cơ thể sống”, là nguồn lực, bằng chính sách và cơ chế vận hành phù hợp, Tài chính đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động và tập trung tối đa nguồn lực, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, ổn định và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao tích lũy nội bộ nền kinh tế, tạo điều kiện vững chắc cho những bước phát triển cao hơn trong thế kỷ 21.

Từ năm 2017 đến nay, cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính được thực hiện theo Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Quản lý nhà nước về Tài chính- ngân sách là chức năng chính, chủ đạo của Bộ Tài chính. Tài chính theo nghĩa rộng đó chính là quản lý tiền và bao gồm các hoạt động như đầu tư, vay, cho vay, lập ngân sách, tiết kiệm và dự báo. Có ba loại tài chính chính: (1) cá nhân, (2) doanh nghiệp và (3) công/ chính phủ. Vai trò của Bộ Tài chính chủ yếu đó chính là việc quản lý tài chính công, của Nhà nước và can thiệp vào một số vấn đề liên quan đến tài chính của doanh nghiệp như các chính sách thuế, phí… Một khía cạnh trong chức năng quản lý của Bộ Tài chính đó chính là quản lý trong ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước hiểu đơn giản chính là các khoản thu, chi tiền tệ của nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 87/2017/NĐ- CP. Theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

  • Trình các cơ quan có thẩm quyền các dự án luật, dự thảo nghị quyết, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định và các dự án, đề án. Là cơ quan quản lý chuyên trách về Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ xem xét các vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật, tiến hành xây dựng các quy định cần thiết để điều chỉnh.
  • Ban hành các văn bản hướng dẫn về tài chính, ngân sách như thông tư, quyết định, chỉ thị… Chính là cơ quan xây dựng các văn bản luật, việc Bộ Tài chính là cơ quan hướng dẫn cho các cơ quan cấp dưới, các chủ thể khác của xã hội là hoàn toàn hợp lý khi đây chính là cơ quan hiểu rõ nhất về văn bản luật được ban hành.
  • Trình Chính phủ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển về tài chính- ngân sách trong trung hạn, dài hạn và hằng năm.
  • Bên cạnh việc xây dựng, hướng dẫn các văn bản luật, thì Bộ Tài chính cũng thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản luật đó.
  • Quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước: chủ trì, kiểm tra về công tác thu thuế, phí, lệ phí; chủ trì, phối hợp, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí; quyết định các vấn đề liên quan đến thuế như giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế,…; ban hành trình tự nghiệp vụ về thu, nộp thuế, phí, lệ phí; kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu ngân sách,…
  • Quản lý dự trữ quốc gia như tham gia vào việc xây dựng danh mục dự trữ quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật; ban hành quy định về chế độ quản lý tài chính; đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động dự trữ; kiểm tra, thanh tra hoạt động dự trữ; ….
  • Quản lý ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ này được thể hiện qua nhiều hoạt động khác nhau như lập kế hoạch tài chính quốc gia; xây dựng các phương án dự toán tăng thu ngân sách nhà nước; xây dựng dự thảo quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các cơ quan; quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng dự phòng ngân sách; phối hợp với các cơ quan khác về việc phân bổ, định mức ngân sách; hướng dẫn hoạt động lập kế hoạch tài chính- ngân sách; tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước…
  • Quản lý quỹ ngân sách, quỹ dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quản lý ngân quỹ nhà nước
  • Quản lý tài sản công: là cơ quan thống nhất chung về quản lý tài sản công; xây dựng, ban hành các quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; quyết định về việc mua sắm, xác lập sở hữu, khai khác, thu hồi… các tài sản công;…
  • Về quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
  • Về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: chủ trì trong việc ban hành chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, chế độ giám sát tài chính doanh nghiệp,…; thực hiện việc kiểm tra, giám sát cơ chế, chính sách; thẩm định việc đầu tư vốn; kiểm tra việc thực hiện vốn tại doanh nghiệp nhà nước,…
  • Kế toán, kiểm toán: chủ trì trong việc ban hành chiến lược, chính sách phát triển kế toán, kiểm toán; ban hành các quy định chuyên môn trong kiểm toán, kế toán; xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện về cá nhân làm việc trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán; thẩm quyền trong việc kinh doanh các dịch vụ kiểm toán, kế toán…
  • Quản lý nhà nước về bảo hiểm: Bộ Tài chính tham gia vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, và các hoạt động định hướng phát triển thị trường bảo hiểm; giảm sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm…
  • Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán
  • Về hải quan thì Bộ Tài chính tham gia vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về lĩnh vực hải quan, ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật hải quan.
  • Về quản lý tài chính các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính
  • Quản lý về lĩnh vực giá
  • Tổ chức và chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thống kê
  • Nhiệm vụ trong hợp tác quốc tế
  • Cải cách hành chính
  • Nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ
  • Quản lý và tổ chức thực hiện công tác tài chính
  • Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại
  • Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức