Quản trị rủi ro là gì? Tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro

Mọi tổ chức, doanh nghiệp đều phải đối mặt với nguy cơ xảy ra các sự kiện không lường trước được gây gián đoạn hoạt động hay những tổn thất cho doanh nghiệp. Để ngăn ngừa các tác hại tiềm ẩn đó, doanh nghiệp phải tham gia quản trị rủi ro. Vậy quản trị rủi ro là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Quản trị rủi ro là gì?

Quản trị rủi ro là quá trình xác định, phân tích, quản lý và ứng phó các sự kiện, yếu tố rủi ro hình thành nên một phần hoạt động của doanh nghiệp. Quản lý rủi ro liên quan đến việc cố gắng kiểm soát kết quả trong tương lai một cách chủ động, tối ưu hóa thành công bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa cũng như tối đa cơ hội và kết quả.

Quản lý rủi ro tập trung vào việc dự đoán những gì có thể không diễn ra theo kế hoạch và đưa ra các hành động để giảm sự không chắc chắn đó xuống mức có thể chấp nhận được.

Trong thế giới kinh doanh, rủi ro là một sự kiện hoặc điều kiện mà nếu nó xảy ra có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến mục tiêu kinh doanh. Ở đây, “rủi ro” không giống “mối đe dọa”. Rủi ro là những gì có thể xảy ra về mặt lý thuyết, ví dụ như khi băng qua đường, bạn có thể bị xe tông nên phải quan sát hai phía trước khi bước ra khỏi lề đường. Trong khi đó, mối đe dọa rất cụ thể và sắp xảy ra: một chiếc xe chạy quá tốc độ qua ngã tư sắp tông vào bạn nên bạn phải nhảy ra, tránh nó.

Tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro

Quản trị rủi ro là quá trình đóng vai trò quan trọng bởi nó cho phép doanh nghiệp có những công cụ cần thiết để xác định và giải quyết các rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Một khi rủi ro được xác định, doanh nghiệp có thể ngăn chặn hay giảm thiểu nó. Bên cạnh đó, quản trị rủi ro còn cung cấp cho doanh nghiệp cơ sở để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Đối với một doanh nghiệp, đánh giá và quản trị rủi ro là cách tốt nhất để chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra cản trở sự phát triển và tăng trưởng. Khi một doanh nghiệp có kế hoạch xử lý các mối đe dọa tiềm ẩn và sau đó phát triển các cấu trúc để giải quyết chúng, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để chạm đến thành công hơn.

Ngoài ra, quản trị rủi ro đảm bảo các rủi ro có mức độ nghiêm trọng hơn nên được ưu tiên và xử lý một cách thận trọng, tích cực nhất có thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có những thông tin cần thiết có thể sử dụng và đưa ra quyết định sáng suốt, phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp hướng đến, đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lãi.

Quy trình quản trị rủi ro

1.   Xác định rủi ro

Việc xác định rủi ro chủ yếu liên quan đến việc brainstorming. Doanh nghiệp nên có cuộc họp để nhân viên cùng bàn luận và xem xét tất cả các nguồn rủi ro khác nhau. Tiếp theo, sắp xếp tất cả các rủi ro đã xác định theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo những rủi ro có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sẽ được xử lý khẩn cấp và cẩn thận hơn. 

2.   Đánh giá rủi ro

Trong nhiều trường hợp, giải quyết rủi ro bao gồm việc xác định rủi ro và tiếp đến là tìm giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, trước khi tìm ra cách tốt nhất để xử lý rủi ro, doanh nghiệp nên xác định nguyên nhân gây ra rủi ro bằng cách đặt câu hỏi “Điều gì đã gây ra rủi ro này và nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh như thế nào?”

3.   Tìm ra biện pháp cho rủi ro

Khi các phòng ban bắt đầu đánh giá biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định và ngăn chặn chúng tái diễn, họ cũng nên đặt ra những câu hỏi như: Biện pháp nào có thể được thực hiện để ngăn chặn rủi ro đã xác định sẽ tái diễn? Tốt nhất nên làm gì nếu rủi ro này xảy ra?

4.   Xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro đã xác định

Ở bước này, những ý tưởng được cho là hữu ích trong việc giảm thiểu rủi ro sẽ được phát triển thành một số nhiệm vụ và sau đó thành các kế hoạch dự phòng để triển khai trong tương lai. Nếu rủi ro xảy ra, các kế hoạch có thể thực hiện được.